XÃ CÂY THỊ
Tên đơn vị: Ủy ban nhân dân xã Cây Thị;
Địa chỉ: Xóm Cây Thị, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên;
Điện thoại: 02803.821.137
I. Giới thiệu chung
1. Lịch sử hình thành
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa bàn xã Cây Thị ngày nay nằm trong xã Bảo Nang, thuộc tổng Bảo Nang của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Huyện Đồng Hỷ lúc đó có 5 tổng (Huống Thượng, Hóa Thượng, Túc Duyên, Niệm Quang, Bảo Nang) với 39 làng, xã. Tổng Bảo Nang có 4 xã gồm (Bảo Nang, Đồng Bang, Thanh Huống, Cự Na). Xã Bảo Lang có 6 thôn, xóm là Bảo Nang, Bảo Sơn, Cầu Dã, Thác Rặc, Na Tiềm, Trại Cau. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, năm 1946 xã Bảo Nang và xã Thanh Huống được sáp nhập thành xã Tân Lợi. Cuối năm 1953, xã Tân Lợi được tách thành 2 xã Tân Lợi và Hòa Bình. Từ ngày 01/1/1975, xã Hòa Bình đổi tên thành xã Cây Thị. Địa bàn xã Cây Thị lúc đó được chia thành 5 xóm (Cây Thị, Mỹ Hòa, Trại Cau, Kim Cương và xóm Hoan). Từ năm 2009 đến năm 2019, xã Cây Thị có 8 xóm (Cây Thị, Suối Găng, Hoan, Hoà Bình, Khe Cạn, Kim Cương, Mỹ Hoà, Trại Cau). Từ 2019 đến nay xã có 7 xóm (Cây Thị, Suối Găng, Hoan, Khe Cạn, Kim Cương, Mỹ Hoà, Trại Cau).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân dân các dân tộc xã Cây Thị đã đóng góp sức người, sức của, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ Quốc Việt Nam hôm nay. Hiện nay trên địa bàn xã có 37 gia đình chính sách, trong đó có 13 gia đình liệt sỹ; 03 xóm được tặng danh hiệu xóm có công với nước, 15 gia đình có công với nước, 08 thương binh, bệnh binh và 16 người nhiễm chất độc da cam.
Năm 1999, xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2019 xã được công nhận là xã An toàn khu (ATK) và đạt xã chuẩn nông thôn mới.
2. Vị trí địa lý, diện tích, dân số
a. Vị trí địa lý
Xã Cây Thị là xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, có vị trí địa lý: Đông giáp xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ; Nam giáp thị Trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ; Tây giáp xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ; Bắc giáp xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ.
b. Diện tích, dân số
- Tổng diện tích tự nhiên gần 4.055 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 3228,35 ha, diện tích đất nông nghiệp 549,69ha
- Dân số: xã có 985 hộ với 3.899 người, trong đó dân tộc Kinh là 1.604 người chiếm 43%, dân tộc Sán Dìu là 776 người chiếm 19,4%, Dao 1.068 người chiếm 27,3%, Nùng 385 người chiếm 8,9 %, Tày 51 người chiếm 0,9. Hoa 7 người chiếm 0,18, H’Mông 01 người chiếm 0,03, Ráy chiếm 7 người 0,18%. Dân tộc chiếm đa số gồm có Kinh, Dao, Sán Dìu.